Free product consultation
Thị trường kính siêu trắng: Tín hiệu khởi sắc và tiềm năng phát triển
Giúp nâng cao thẩm mỹ cho các công trình nội – ngoại thất, làm đẹp các dự án, góp phần làm thay đổi mỹ quan đô thị của Việt Nam, hướng tới khắc phục các vấn đề bức thiết về môi trường, dần bước tới giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu với ứng dụng làm tấm nền pin năng lượng mặt trời…, những ưu điểm vượt trội khiến kính siêu trắng có những tín hiệu khởi sắc trên thị trường và tiềm năng phát triển rộng lớn ở trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung.
THỊ TRƯỜNG KÍNH SIÊU TRẮNG TRÊN THẾ GIỚI
Theo báo cáo của trang Business Research Insights cập nhật vào tháng 5/2024, quy mô thị trường kính siêu trắng trên toàn cầu là 2350.2 triệu USD vào năm 2029 và được dự đoán sẽ đạt mốc 3541.3 triệu USD vào năm 2026, đạt tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) 5.9% trong giai đoạn dự báo.
Nhu cầu về kính siêu trắng ngày càng tăng bởi khả năng ứng dụng tại các công trình cao cấp, các tòa nhà hiện đại, chọc trời và mặt tiền công trình cùng các ứng dụng khác nhau trong thiết kế nội thất. Với độ truyền sáng cao, loại kính này mang đến nét đặc trưng ấn tượng, sự rực rỡ, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ của môi trường xây dựng với tầm nhìn rõ ràng, sắc nét.
Ngoài ra, nhu cầu ngày càng tăng của việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời thúc đẩy nhu cầu sử dụng, đóng góp cho sự tăng trưởng của thị trường kính siêu trắng trên thế giới. Với độ truyền sáng tối đa, kính siêu trắng thúc đẩy thành phần nguyên tử của các mô-đun quang điện, cho phép các tấm pin mặt trời hoạt động với hiệu suất cao hơn bằng cách truyền nhiều ánh sáng mặt trời hơn.
TÍN HIỆU KHỞI SẮC CỦA THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Ở Việt Nam, kính từ lâu đã trở thành một trong những vật liệu không thể thiếu trong xây dựng công trình. Tính đến năm 2023, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất kính xây dựng khoảng 5.900 tấn/ngày tương đương 415 triệu m2 QTC/năm, trong đó kính xây dựng sản xuất theo công nghệ nổi (kính nổi) là 3.370 tấn/ngày (tương đương 235 triệu m2 QTC/năm) và kính xây dựng sản xuất theo công nghệ cán (kính cán) là 850 tấn/ngày (tương đương 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm), kính xây dựng siêu trắng 1.680 tấn/ngày (tương đương 120 triệu m2 QTC/năm). (Nguồn số liệu: Tạp chí Xây dựng)
Kính siêu trắng với những ưu điểm vượt trội, mang lại giá trị thiết thực đang dần trở thành xu hướng sử dụng ở Việt Nam trong thiết kế, kiến trúc, xây dựng công trình. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường Việt Nam ghi nhận sức hút lớn của kính siêu trắng.
Sản phẩm kính siêu trắng có tiềm năng phát triển nhờ ứng dụng đa dạng và “thị trường ngách” với các dòng sản phẩm đa dạng, sử dụng được trong mọi cấu trúc và thành phần của một công trình.
Ông Ngô Quốc Huân – Tổng Giám đốc Hồng Phúc Glass (Công ty gia công kính siêu trắng của Viglacera) đánh giá:“Trên thị trường, kính siêu trắng ứng dụng phổ biến cho mặt dựng các không gian cao cấp như showroom ô tô, phòng trưng bày thời trang, trang sức, bể thủy sinh, tranh kính, kính phun sơn ứng dụng trong tấm chắn tường bếp, tấm decor văn phòng và nhà ở. Đối với dòng sản phẩm dành cho thị trường trang trí nội thất như kính in tranh, kính cho vách ngăn của các công trình cao cấp, kính ép lụa, kính in sơn, sử dụng phôi kính siêu trắng cho màu sắc rất tươi sáng, rất đẹp và đảm bảo màu sắc chân thực nhất”.
TIỀM NĂNG CHO THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Kính siêu trắng là sản phẩm dù đã phổ biến trên thế giới từ lâu song ở Việt Nam, do chưa có nguồn cung nội địa nên phải nhập khẩu từ nước ngoài để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm 2021, Viglacera đánh dấu một cột mốc quan trọng bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào Nhà máy Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) – công ty con của Viglacera – vượt qua những thách thức và khó khăn của thị trường và công nghệ trong nước lúc bấy giờ, trở thành nhà sản xuất Việt Nam đầu tiên và duy nhất có khả năng sản xuất kính siêu trắng tại thị trường nội địa.
Ngày 01/11/2023, Viglacera đã sản xuất thành công những mét vuông kính siêu trắng đầu tiên tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho các công trình kiến trúc và nội thất cao cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời ngày càng lớn ở Việt Nam, đồng thời, định hướng xuất khẩu sang các thị trường như EU, Mỹ…
Việc Viglacera đầu tư sản xuất kính siêu trắng tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, thay thế hàng nhập khẩu và cung cấp sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý. Điều này cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cho các thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, Mỹ và EU sử dụng ưu đãi thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do tại khu vực.
Ông Vũ Ngọc Quý – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Kính an toàn Việt Nhật VSG (Công ty gia công kính siêu trắng của Viglacera) nhận định: “Thị trường kính siêu trắng là một thị trường rất tiềm năng. Trước đây, việc nhập khẩu kính siêu trắng từ thị trường nước ngoài gặp phải một số vấn đề như bị phụ thuộc thời gian, giá thành cao. Việc sản xuất thành công sản phẩm kính siêu trắng nội địa mang lại những ưu thế nổi bật như: Tự chủ được nguồn nguyên liệu và tiến độ cung cấp, chất lượng tốt với độ xuyên quang cao, đa dạng kích thước, giá thành phù hợp đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước. Bước đi này là nền tảng góp phần cho sự khởi sắc của thị trường kính siêu trắng ở Việt Nam hiện nay, có khả năng cạnh tranh được với thị trường nhập khẩu”.
HẠN CHẾ TỒN TẠI Ở THỊ TRƯỜNG KÍNH SIÊU TRẮNG VIỆT NAM
Tuy bước đầu nhận được những tín hiệu tích cực, nhưng kính siêu trắng lại chưa được sử dụng một cách rộng rãi, bởi trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng loại vật liệu này đang gặp một số hạn chế.
Hiểu biết của thị trường về sản phẩm phần lớp đến từ các nhà gia công kính lớn, có thương hiệu, tầm ảnh hưởng. Các đối tượng khách hàng nhỏ lẻ như cửa hàng nhôm kính, kiến trúc sư, nhà thiết kế, chủ đầu tư vẫn chưa biết nhiều về kính siêu trắng.
Trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất, một số kiến trúc sư và nhà thiết kế đã bắt đầu tích hợp kính siêu trắng vào các dự án của họ, tuy nhiên lại chưa có hiểu biết toàn diện và sâu sắc về các đặc tính ưu việt của loại kính này nên đôi khi chưa coi đây là sự lựa chọn đầu tiên và tối ưu.
Trước đây, kính siêu trắng đến từ các đầu mối nhập khẩu, giá thành rất cao (gấp khoảng 2,5 đến 3 lần so với kính xây dựng thông thường) dẫn tới các nhà gia công không chủ động giới thiệu cũng như định hướng khách hàng lựa chọn sử dụng. Thêm vào đó, các chủ đầu tư tại thị trường Việt Nam còn khá e dè trong việc triển khai sử dụng kính siêu trắng bởi lo ngại chi phí thiết kế, chi phí vật liệu tốn kém.
Ngoài ra, những lo ngại về việc khó chủ động đảm bảo sản lượng đáp ứng cho công trình, các lô hàng chất lượng thiếu đồng đều khiến chất lượng công trình không đảm bảo cũng là rào cản đối với việc ứng dụng kính siêu trắng.
Trên thị trường hiện nay vẫn có một lượng kính siêu trắng được nhập khẩu do nhu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ yêu cầu chất lượng thẩm mỹ cao (màu sắc cạnh kính), tạo ra sự cạnh tranh đối với sản phẩm thị trường kính siêu trắng trong nước.
Để phát triển hơn nữa thị trường kính siêu trắng, một số nhà gia công kính đề xuất rằng, cần đẩy mạnh truyền thông để khách hàng, chủ đầu tư hiểu rõ về sản phẩm, đặc tính, đặc điểm vượt trội của kính siêu trắng so với kính thông thường. Ngoài ra, để tiếp xúc được với kiến trúc sư, các đơn vị tư vấn thiết kế, các đơn vị thi công, cần tổ chức các buổi hội thảo cung cấp kiến thức, hỏi đáp để họ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn và hiểu rõ hơn về kính siêu trắng, để thay đổi cảm nhận và suy nghĩ về sản phẩm theo hướng tích cực hơn và để biết cách ứng dụng sản phẩm cho phù hợp với từng vị trí, từng khu vực.
Với các điểm mạnh về giá thành, chất lượng sản phẩm và ứng dụng đa dạng vượt trội so với kính thông thường, tiềm năng phát triển thị trường kính siêu trắng ở Việt Nam là rất lớn.
Bài viết: Ngọc Hà